Hôm nay, Kiến Guru sẽ cùng đồng hành với các bạn với việc soạn văn 11 Tự tình 2 nhà thơ nữ tài danh của Việt Nam – Hồ Xuân Hương! Bài soạn này sẽ có những gợi ý thật cụ thể và rõ ràng cho những câu hỏi nằm trong phần Hướng dẫn học bài của tác phẩm. Phần này nằm ở trang 19 SGK Ngữ văn 11, tập một. Khi trả lời tốt các câu hỏi này, các bạn đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận bài thơ trước khi đến lớp đó, chúng ta bắt đầu nhé!
I. Hướng dẫn soạn về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Đầu tiên, bài soạn văn 11 Tự tình 2 xin được giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương. Bà được sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, cụ thể là ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu – đây cũng là nơi xuất thân của nhiều văn nhân mặc khách tài hoa. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nguồn tài liệu cung cấp thông tin xác đáng về năm sinh, năm mất của bà nhưng Hồ Xuân Hương là một trong số những tên tuổi lớn cùng với Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, Phạm Thái, Nguyễn Du,…
Đây là một gương mặt đại diện ưu tú nhất của bộ phận văn học mang theo sứ mệnh đấu tranh đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người trong thời kì này. Sở dĩ như vậy là vì cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến cuối cùng vẫn không được tận hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn. Thế nên có thể thấy trong thơ bà có một nguồn cảm hứng sáng tạo vô cùng dồi dào về chủ đề số phận của người phụ bằng một thái độ rất đỗi chân thành, thiết tha. Thái độ, tình cảm ấy được Hồ Xuân Hương thể hiện trong cả những tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm nhưng gây được ấn tượng hơn cả vẫn là những vần thơ chữ Nôm thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng lại rất tinh tế và tài hoa. Do vậy, bà mới được người đời ưu ái tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm” của văn học Việt Nam.
2. Bài thơ Tự tình
Khi soạn bài Tự tình 2, chúng ta cần điểm qua một vài điều cơ bản về tác phẩm này. Đây là một tác phẩm trữ tình khá tiêu biểu cho tư tưởng và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương. Tự tình 2 được viết dưới hình thức của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật và là một trong số ba bài thơ Tự tình nổi tiếng của nữ sĩ. Bài thơ nói lên tư tưởng của nhà thơ về quyền được hưởng hạnh phúc tuổi xuân của người phụ nữ trong xã hội phong kiến; đồng thời là sự cảm thông và niềm trân trọng khát vọng giải phóng tình cảm của người phụ nữ trong xã hội ấy.
II. Hướng dẫn soạn văn 11 Tự tình 2 qua gợi ý trả lời câu hỏi SGK
Câu 1
Trong bốn câu thơ đầu, hình ảnh của nhân vật phần nào cho thấy tác giả đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt và tâm trạng đặc biệt. Có thể hình dung nhân vật ấy chính là người phụ nữ cô đơn đang nghe thấy văng vẳng tiếng trống trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng trống báo hiệu thời khắc dần qua.
Người phụ nữ ấy có lẽ cảm nhận rất rõ rệt sự gấp gáp, dồn dập của bước đi thời gian vật lí và đồng thời cũng chính là bước đi thời gian tâm trạng của chính mình. Nỗi niềm lo ngại, e sợ và đầy hoang mang mang được bộc bạch rất rõ ở ngữ điệu và ngôn từ của câu thơ “Trơ cái hồng nhan với nước non”. “Trơ” khi kết hợp với cụm “cái hồng nhan” đã diễn tả biết bào sự cay đắng, bẽ bàng của con người về phận hẩm duyên ôi nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy sự bản lĩnh, nét cá tính độc đáo của nhân vật trữ tình như một lời thách thức với chính số phận của mình.
Câu 2
Bài soạn văn 11 Tự tình 2 sẽ tiếp tục với việc trả lời câu hỏi thứ hai trong SGK. Câu 5 và 6 của bài thơ cũng là một cặp câu độc đáo trong việc mượn hình tượng thiên nhiên, sự vật để diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận. Trong hai câu thơ nổi bật hai hình ảnh là “rêu” và đá. Đây là những hình ảnh có sức gợi rất hiệu quả về niềm khao khát mạnh mẽ của người phụ nữ – niềm khao khát được đương đầu một cách kiên cường với số phận.
Điều đó được thể hiện bởi vì hai hình ảnh nói trên được tác giả cho kết hợp với hàng loạt những động từ mạnh, “rêu” – “xiên ngang mặt đất”, “đá” – “đâm toạc chân mây”. Những hoạt động mang ý nghĩa phản ứng lại ngoại lực để tồn tại đã gián tiếp cho thấy một tâm hồn tràn đầy nhựa sống và mong muốn được dấn thân vào cuộc đời.
Câu 3
Ý nghĩa hai câu cuối có thể thấy được gói trong hàm ý của từ “xuân”, “lại” và nghệ thuật tăng tiến: “mảnh tình” – “san sẻ” – “tí” – “con con”. Dường như dù cho có đột phá và quyết liệt trong suy nghĩ và hành động như những gì được bộc bạch qua câu thơ 5 và 6 nhưng bây giờ, nỗi niềm và khao khát ấy lại có phần lắng dịu trong bất lực và chán chường.
Câu thơ thứ 7 hiển hiện biết bao sự chán ngán: thời gian tuổi xuân con người không thể đo song song đồng thời cùng thời gian mùa xuân của đất trời. Trong khi bốn mùa xuân – hạ – thu – đông vẫn xoay vần thì con người chỉ được hạnh phúc của tuổi xuân trong một giới hạn nào đó.
Đặc biệt, ở câu thơ cuối cùng, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm đến người đọc một lời thở than thầm kín của người phụ nữ khi phải chịu cảnh lẻ loi, cô đơn. “Mảnh tình” nàng có vốn đã bé mọn, nhưng cũng không có quyền được giữ riêng cho mình mà phải “san sẻ” để rồi chỉ có thể nhận về “tí con con”. Đó cũng chính là số phận chung của những “cái hồng nhan” phải chịu cảnh chồng chung trong xã hội phong kiến.
Câu 4
Có thể thấy, bài thơ vừa là tiếng nói ca thán cho một duyên phận bi kịch, nhưng cũng là khúc ca cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Một cách cụ thể, tác giả đã bộc lộ tâm trạng, thái độ vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận nhưng nổi bật hơn cả vẫn là khát vọng sống, sự gắng gượng vươn lên để bày tỏ thái độ không cam chịu, không khuất phục trước cuộc đời. Cũng cần nói thêm, với những nội dung trên, Hồ Xuân Hương đã chuyển tải trong tám câu thơ nhưng lại cụ thể và đi vào lòng người. Đây chính là cơ sở phần nào khẳng định tài năng độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng. Đây cũng là câu hỏi cuối cùng trong bài soạn văn 11 Tự tình 2 mà chúng ta cần phải tìm hiểu và trả lời trước khi tìm hiểu văn bản này trên lớp.
Xem thêm:
Phân tích bài thơ tự tình (áp dụng trong kiểm tra và thi)
Cảm nhận về bài thơ tự tình (áp dụng trong bài kiểm tra và thi)
Soạn bài câu cá mùa thu ngắn gọn, đủ ý
Như vậy qua bài soạn văn 11 Tự tình 2, Kien Guru đã giúp các bạn học sinh có thêm gợi ý để trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài học trong SGK. Mong rằng, đội ngũ biên tập đầy nhiệt huyết của Kien Guru sẽ có thể tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bạn trong việc chuẩn bị những bài soạn thật tốt trước khi đến lớp.