Trong bài soạn văn Bài ca ngất ngưởng này, Kiến Guru xin gửi đến các bạn những gợi ý để trả lời các câu hỏi tìm hiểu nội dung bài học trong SGK Ngữ văn 11, tập một. Sau khi tham khảo bài viết, mong rằng các bạn học sinh sẽ có những định hướng để chuẩn bị thật tốt phần soạn Bài ca ngất ngưởng trước khi đến lớp.
I. Hướng dẫn soạn văn Bài ca ngất ngưởng: Tác giả – Tác phẩm
1. Tác giả Nguyễn Công Trứ
Trước nhất, các bạn nên giới thiệu sơ lược về tác giả khi soạn bài Bài ca ngất ngưởng. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) có tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn. Ông là người con của miền đất miền Trung Hà Tĩnh, tại huyện Nghi Xuân, làng Uy Viễn. Nguyễn Công Trứ vốn có tinh thần ham học từ bé nhưng lận đận trên con đường khoa cử nên mãi đến năm bốn mươi hai tuổi thì con đường công danh của ông mới hiển lộ.
Nguyễn Công Trứ có khoảng thời gian dài tận hai mươi tám năm làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Mặc dù ở chốn quan trường phải đối diện với nhiều thăng trầm nhưng tuyệt nhiên, ở Nguyễn Công Trứ vẫn toát lên khí khái cứng rắn, bình tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó và lập được nhiều chiến tích lẫy lừng, cả việc triều chính, khai khẩn đất hoàng, tu bổ chùa chiền hay chống giặc ngoại xâm.
Đến năm ông bước sang tuổi thứ bảy mươi, ông về quê sống cuộc đời riêng của mình sau hai lần cáo quan. Dù chọn về quê nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn dành sự quan tâm rất nhiệt thành dành cho đất nước và nhân dân. Bằng chứng là khi biết đến thông tin Pháp xâm lược Việt Nam, ông vẫn quyết tâm xin tòng quân diệt giặc dù tuổi đã cao.
Xem thêm
Nguyễn Công Trứ có rất nhiều tác phẩm thơ văn viết bằng chữ Nôm với sự đa dạng về thể loại mà đặc biệt là phú, hát nói, thơ Đường luật. Trong các sáng tác ấy, Nguyễn Công Trứ luôn để lại dấu ấn của bản thân mà cụ thể là chất tài tử phong lưu và cá tính riêng biệt của mình.
Các bạn nhớ lưu ý những điều trên khi soạn văn 11 Bài ca ngất ngưởng nhé!
2. Bài thơ Bài ca ngất ngưởng
Trong số các thể loại thơ ca văn học mà Nguyễn Công Trứ thể hiện tài năng, ông đặc biệt ghi dấu trong lòng người đọc bằng những tác phẩm viết theo thể hát nói. Và trong vô số những bài hát nói mà tác giả đóng góp cho kho tàng văn học thì Bài ca ngất ngưởng có thể được xem là bài xuất sắc nhất. Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh nhà thơ đã cáo quan về hưu và tác phẩm có vai trò giống như một bản tổng kết lại hành trình dài của cuộc đời một con người. Sau đây là phần soạn văn Bài ca ngất ngưởng cho từng câu hỏi cụ thể.
II. Hướng dẫn soạn văn Bài ca ngất ngưởng qua gợi ý trả lời câu hỏi SGK
1. Câu 1
Bắt đầu với câu 1 trong soạn Bài ca ngất ngưởng. Trong bài thơ, ngoài nhan đề thì có 4 lần tác giả sử dụng từ “ngất ngưởng” và mỗi lần lặp lại ấy có vai trò nhất định. Trước hết, cần lí giải nghĩa của từ “ngất ngưởng”, đây vốn là từ láy tượng hình, gợi ra thế không vững, lắc lư nghiêng ngả như chực ngã. Tuy từ “ngất ngưởng” mang ý nghĩa trên nhưng với mỗi lần nhắc đến, tác giả lại giúp người đọc hình dung những trạng thái “ngất ngưởng” riêng biệt.
Lần thứ nhất, từ “ngất ngưởng” xuất hiện để miêu tả hình ảnh của Nguyễn Công Trứ khi có công danh vinh hiển và đảm nhiệm những trọng trách quan trọng: Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông. Lúc này, ông tỏ rõ là người có khí khái của một vị quan ngạo nghễ và đặc biệt là có tài năng thao lược.
Lần thứ hai, từ “ngất ngưởng” cũng dùng để khắc hoạ hình ảnh của chính Nguyễn Công Trứ, nhưng lúc này đã ở trong hoàn cảnh khác – trở thành dân thường. Thế nhưng dù vai trò xã hội có thay đổi thì ông vẫn bộc lộ phong thái tự tại, phóng khoáng của mình.
Từ “ngất ngưởng” ở lần thứ ba trong câu “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” thêm lần nữa khẳng định cá tính ngang tàng của nhà thơ. Thế nên, mặc dù nói về thú chơi ngông của mình, Nguyễn Công Trứ tỏ rõ việc muốn khẳng định những gì thuộc về nét riêng biệt của bản thân, dù có thể nó khác biệt rất nhiều với số đông.
Ở lần cuối, “ngất ngưởng” diễn tả nhân cách của Nguyễn Công Trứ trong việc xem thường vinh hoa phú quý, tĩnh tại thưởng ngoạn những sở thích bản thân mà không màng đến điều tiếng của nhân gian, thế sự. Ông không muốn bị ràng buộc, gò ép trong bất cứ điều gì.
2. Câu 2
Có thể thấy Nguyễn Công Trứ vẫn quyết định ra làm quan dù biết trước làm quan là gò bó, mất tự do bởi lẽ: làm quan chính là cách ông tạo cơ hội cho chính mình để thể tài năng và khí khái, hoài bão và khát vọng của một đấng nam nhi. Thế nên, ông đã chọn làm quan như một cách để tôn trọng khát vọng của chính mình nhưng là làm quan một cách “ngất ngưởng”, vẫn phóng túng, tự do, không gò ép mình vào khuôn phép cứng nhắc và cũng không chịu khuất phục trước những cái xấu, cái ác.
3. Câu 3
Bài thơ chính là một cách để nhà thơ bộc lộ cách nhìn nhận lại và tự đánh giá chính bản thân mình. Việc tự nhìn nhận ấy được ông thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, giọng điệu kể chuyện khảng khái, mạnh mẽ nhưng cũng đầy cá tính
Thứ hai, qua cách kể chuyện, ông thể hiện sự tự ý thức về tài năng, phong cách, khí tiết của bản thân và ông tự hào vì mình là người dám nghĩ dám làm, dám sống cho mình chứ không bị chi phối bởi dư luận hay định kiến của lễ giáo hà khắc.
4. Câu 4
Thể hát nói là thể loại được khá nhiều những nhà thơ, nhà văn và chính trị gia sử dụng để bày tỏ tâm tư và giải toả nỗi niềm của mình. Chính vì những đặc điểm riêng biệt về thể loại, đặc biệt là tính chất phóng khoáng, tự do nên chuyên chở những quan niệm về lẽ sống một cách thoải mái, gần gũi với con người. Bởi những lí do trên mà thể hát nói chuyển tải ít nhiều hiệu quả những điều mà họ trăn trở và khi làm được sứ mệnh đó, nó được ưu ái và trở thành một khuynh hướng văn học. Đây là câu hỏi cuối cùng của soạn văn 11 Bài ca ngất ngưởng.
Xem thêm
Soạn văn bài Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam
Phân tích nhân vật Liên – Hai Đứa Trẻ
Như vậy, với những gợi ý nêu trên, mong rằng các bạn học sinh sẽ có thêm gợi ý từ Kiến Guru để soạn văn Bài ca ngất ngưởng hiệu quả!