Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Các sáng tác của bà đa số đều viết về người phụ nữ với tiếng nói thương cảm cũng như lời khẳng định đề cao những khát vọng của họ. Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ nổi tiếng với tình yêu đặc biệt dành cho thi ca khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhà thơ sở hữu kho tàng văn chương phong phú từ thể loại đến nội dung, đề tài.
Trong bài soạn Ngữ văn 11 bài “Tự tình” hôm nay, các bạn hãy cùng Kiến Guru tìm hiểu về tác giả Hồ Xuân Hương cùng bài thơ mang nặng nỗi niềm này nhé!
Phần I: Tìm hiểu chung
Tác giả
– Theo tài liệu lưu truyền, Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng bà chủ yếu sống ở kinh thành Thăng Long.
– Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây có tên là Cố Nguyệt Đường.
– Bà từng đi nhiều nơi và quen biết với nhiều danh sĩ nổi tiếng (trong đó có cả Nguyễn Du).
– Cuộc đời của Hồ Xuân Hương từng trải qua nhiều cuộc tình ngang trái, thường rơi vào cảnh ngộ éo le (làm vợ lẽ).
– Các tác phẩm của bà chủ yếu bao gồm thơ Nôm và thơ chữ Hán. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay còn khoảng 40 bài thơ được tương truyền là của Hồ Xuân Hương.
– Các sáng tác của bà đa phần đều viết về phụ nữ với tiếng nói thương cảm, cũng như sự khẳng định đề cao khát vọng của họ.
– Hồ Xuân Hương từng được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.
– Một số bài thơ nổi tiếng như: Bánh trôi nước, Khóc Tổng Cóc, Không chồng mà chửa, Quả mít…v
Nguồn: Internet
Tác phẩm
– “Tự tình” (I, II, III) là chùm ba bài thơ của Hồ Xuân Hương.
- Tự tình I:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!
- Tự tình II:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
- Tự tình III:
Chiếc bánh buồn vì phận nổi lênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.
– “Tự tình” bao gồm những bài thơ bộc lộ nỗi niềm sầu tủi, cay đắng của chính nhà thơ về những mối tình mình đã trải qua.
– Bài thơ trong sách giáo khoa là bài “Tự tình II” trong chùm bài thơ.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Bố cục
– Cả ba bài thơ đều được bố cục theo kết cấu: Đề – Thực – Luận – Kết.
– Bố cục của bài thơ Tự tình II:
- Hai câu đề: Nỗi niềm cô đơn của nhà thơ.
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
- Hai câu thực: Cảnh ngộ chua xót trong thực tại.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
- Hai câu luận: Thái độ phản kháng của nhà thơ.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
- Hai câu kết: Sự chán chường trước thực tại không thể thay đổi.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Phần 2: Gợi ý soạn Ngữ văn lớp 11 bài “Tự tình II”
Bài thơ mở đầu với hai câu thơ vừa tả cảnh nhưng cũng tả hình ảnh của một người phụ nữ hay có thể gọi là hồng nhan. Nhưng tiếc thay, hồng nhan đó lại rơi vào hoàn cảnh cô đơn trống vắng, giữa đêm khuya u tịch. Chúng ta cùng soạn Ngữ văn 11 “Tự tình” để tìm hiểu rõ hình ảnh này nhé!
Câu 1 trang 19 Sách giáo khoa
- Hoàn cảnh:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
- Thời gian: Đêm khuya, trống canh dồn: nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống thể hiện bước đi thời gian gấp gáp, vội vã.
- Không gian: “văng vẳng”: Không gian rộng lớn nhưng tĩnh lặng, vắng vẻ.
- Tâm trạng:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
- Say lại tỉnh: gợi vòng luẩn quẩn không lối thoát, cuộc rượu say rồi tỉnh cũng như cuộc tình vương vít cũng nhanh tàn, để lại sự rã rời.
- Vầng trăng bóng xế: Trăng đã sắp tàn hay cũng chính là tuổi xuân đã trôi qua.
- Khuyết chưa tròn: Nhân duyên chưa trọn vẹn, chưa tìm được hạnh phúc viên mãn, tròn đầy, cho thấy sự muộn màng dở dang của con người.
Thông qua đoạn thơ, tác giả đã nói lên niềm mong mỏi thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng không tìm được lối thoát của chính mình.
Câu 2 trang 19 Sách giáo khoa
- Hình tượng thiên nhiên rêu, đá được miêu tả trong hành động mạnh mẽ, quyết liệt: xiên ngang mặt đất, đâm toạc chân mây.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
- Biện pháp đảo ngữ: vị ngữ (xiên ngang mặt đất, đâm toạc chân mây) đứng trước chủ ngữ (rêu từng đám, đá mấy hòn).
- Đảo trật tự từ: danh từ trung tâm (rêu, đá) đứng trước các từ chỉ loại, chỉ lượng (từng đám, mấy hòn).
- Các động từ mạnh: Xiên ngang, đâm toạc.
=> Sức sống mãnh liệt ngay trong trong hoàn cảnh thử thách. Qua đó, tác giả bộc lộ tâm trạng phẫn uất của con người. Đó chính là sức sống, sức phản kháng và bản lĩnh vượt lên đau thương của con người.
Câu 3 trang 19 Sách giáo khoa
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
- “Ngán”: tâm trạng chán chường trước cảnh đời éo le, bạc bẽo.
- “Mảnh tình san sẻ”: mảnh tình vốn đã nhỏ bé, không được trọn vẹn nhưng lại phải san sẻ.
- Từ “ lại” thứ nhất có nghĩa là thêm lần nữa, từ “ lại” thứ hai nghĩa là sự trở lại kết hợp với cụm từ “lại lại” chỉ sự chảy trôi của thời gian.
- “Tí con con”: tí và con con đều là hai tính từ chỉ sự nhỏ bé, đặt hai tính từ này cạnh nhau càng làm tăng sự nhỏ bé, hèn mọn.
=> Hai câu thơ kết bộc lộ tâm trạng buồn tủi, chán trường của nhân vật trữ tình.
Câu 4 trang 19 Sách giáo khoa
- Nỗi chán chường, đau đớn ê chề
- Vầng trăng bóng xế: Trăng đã sắp tàn hay cũng chính là tuổi xuân đã trôi qua.
- Khuyết chưa tròn: Nhân duyên chưa trọn vẹn, chưa tìm được hạnh phúc viên mãn, tròn đầy, cho thấy sự muộn màng dở dang của con người.
=> Niềm mong mỏi thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng không tìm được lối thoát.
Phần 3: Hỗ trợ Luyện tập
Sự giống và khác nhau giữa hai bài Tự tình (I) và Tự tình (II).
– Giống nhau: Thể thơ Nôm đường luật, mượn cảm thức về thời gian để thể hiện tâm trạng. Cả hai bài đều là lời tự bạch, tự trải lòng mình của Hồ Xuân Hương.
– Khác nhau:
Bài I: Nỗi oán hận, nỗi sầu thảm bởi đến duyên mà chẳng gặp duyên.
Bài II: Sự đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch.
Kết luận:
Nội dung:
- Bài thơ nói lên bi kịch tình yêu, gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời đó là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và cuộc sống, số phận cay đắng của họ, dù đã gắng gượng vương lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của cuộc đời.
- Bài thơ cũng cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc – những điều vô cùng giản đơn, bình dị nhưng lại là khao khát, niềm mơ ước cả cuộc đời của Hồ Xuân Hương nói riêng, của tất cả những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.
Nghệ thuật:
- Tác giả đã vận dụng sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật với ngôn ngữ tiếng Việt nhưng không làm mất đi giá trị của thể thơ mà trái lại nó còn mang đến cho thể thơ cổ điển ấy một vẻ đẹp mới, gần gũi, thân thuộc hơn với người Việt.
- Sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc với những động từ mạnh (xiên ngang mặt đất/đâm toạc chân mây), từ láy tượng thanh đã thể hiện khao khát đến cháy bỏng và sự nổi loạn trong tâm hồn của Hồ Xuân Hương.
- Sử dụng những hình ảnh giàu sức gợi (trăng khuyết chưa tròn, rêu từng đám, đá mấy hòn,…) để diễn tả các cung bậc cảm xúc, sự tinh tế, phong phú trong tâm trạng của người phụ nữ khi nghĩ đến thân phận của mình.
Như vậy, qua bài soạn Ngữ văn 11 bài “Tự tình”, Kiến Guru đã giúp các bạn học sinh có thêm gợi ý để trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài học trong SGK. Mong rằng đội ngũ biên biên tập đầy nhiệt huyết của Kiến Guru sẽ có thể tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bạn trong việc chuẩn bị những bài soạn thật tốt trước khi đến lớp.