Việt Bắc là một trong những bài thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Sau đây, Kienguru sẽ cùng các bạn đi soạn bài Việt Bắc một cách chi tiết và đầy đủ nhất để chúng ta hiểu được bài thơ, qua đó thấy được tư tưởng, tình cảm mà Tố Hữu gửi gắm vào bài thơ của mình.
Phần 1 – Thông tin chung tác phẩm “Việt Bắc” – soạn bài
Trước khi bắt tay vào soạn bài, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm để có thể nắm rõ hơn nhé!
1 – Tác giả
– Tố Hữu (1920-2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, ông sinh ra tại làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là nhà thơ tiêu biểu và tiên phong cho nền thơ cách mạng Việt Nam.
– Ông đã được nhận các giải thưởng văn học. Năm 1996, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật
– Thơ ông luôn gắn với những chặng đường kháng chiến của dân tộc, những giai đoạn cách mạng hào hùng, thơ Tố Hữu luôn khích lệ, cổ vũ quần chúng đứng lên đấu tranh.
– Phong cách thơ Tố Hữu mang tiếng nói của dân tộc và sự nghiệp cách mạng với hình ảnh quê hương, con người và đất nước được ông đưa vào thơ ca vừa trữ tình, cũng vừa sâu sắc.
2 – Tác phẩm
- Hoàn cảnh sáng tác : Nhân sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Trung Ương Đảng và Chính Phủ rời căn cứ Việt Bắc về thủ đô, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ này.
- Bài thơ được viết nên để thể hiện nỗi lòng của những người chiến sĩ cách mạng phải chia xa núi rừng Tây Bắc thân thuộc để về một nơi căn cứ mới. Những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về thiên nhiên và con người ở đây được tác giả thể hiện một cách sống động và đầy chân thực.
3 – Bố cục
Việt Bắc có bố cục chia làm 2 phần :
- Phần 1 (20 câu đầu): Lời nhắn nhủ của người ở lại đối với người ra đi
- Phần 2 (còn lại): Lời của người ra đi với nỗi nhớ Việt Bắc
Phần 2 – Hướng dẫn soạn bài Việt Bắc đầy đủ
Hãy cùng với Kienguru bám sát vào những câu hỏi có trong SGK với phần soạn bài Việt Bắc ngắn gọn để đi sâu vào nội dung của tác phẩm nhé !
1 – Câu 1 trang 114 SGK
Gợi ý trả lời :
– Hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
- Sáng tác vào 10/1975, nhân sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết
- Khi các chiến sĩ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô, với tình cảm lưu luyến của nhân dân Việt Bắc dành cho những người chiến sĩ, Tố Hữu sáng tác ra bài thơ Việt Bắc này
– Sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Tâm trạng của tác giả được thể hiện qua lời đối đáp trữ tình
- Tâm trạng lưu luyến, bịn rịn giữa người đi- kẻ ở. Không khí ân tình của hồi tưởng, hoài niệm của ước vọng và tin tưởng
- Lối đối đáp: Tác giả sử dụng kết cấu quen thuộc trong ca dao, cách xưng hô mình – ta thể hiện tình cảm sự hô ứng, tương tác giữa bên, sự lưu luyến thể hiện trong lối đối đáp này.
2 – Câu 2 trang 114 SGK
Gợi ý trả lời :
Vẻ đẹp của Việt Bắc hiện lên gần gũi, nên thơ qua dòng hồi tưởng của chủ thể trữ tình. Ở đây vẻ đẹp được trải dài theo thời gian, không gian khác nhau: sương sớm, nắng chiều, trăng khuya.
– Bức tranh của cảnh vật :
- Bức tranh tứ bình của Việt Bắc : ( mùa xuân: mơ nở trắng rừng/ mùa đông: hoa chuối đỏ tươi/ mùa hạ: ve kêu rừng phách đổ vàng/ mùa thu: trăng gọi hòa bình)
- Thiên nhiên có sự khắc nghiệt riêng của núi rừng Tây Bắc với những hình ảnh : “Mưa nguồn suối lũ”, “Những mây cùng mù”
- Bên cạnh đó là vẻ đẹp nên thơ của núi rừng Tây Bắc được tác giả miêu tả : “ Trăng lên đầu núi/ nắng chiều lưng nương ”, “ rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”, “rừng thu trăng rọi hòa bình”,…
=> Qua bức tranh miêu tả thiên nhiên, tác giả như vẽ lên sự giao hòa bốn mùa hòa của thiên nhiên nơi đây với không khí kháng chiến, vất vả, gian khổ nhưng lạc quan, hào hùng, nhưng cũng hiện lên thật đẹp và thơ mộngvới những âm thanh của nhịp sống yên bình, yên ả nơi núi rừng Tây Bắc
- Bức tranh con người Việt Bắc : Qua những hồi tưởng về con người Việt Bắc, nhà thơ nhớ tới con người Việt Bắc trên nền chung của núi rừng :
- Con người Việt Bắc hiện lên với những hoạt động sinh hoạt đặc trưng: cô em gái hái măng, người đan nón, người đi rừng, nhớ tiếng hát ân tình thủy chung
- Tình cảm chia sẻ, đùm bọc của con người ở đây : “Thương nhau chia củ sắn bùi”, “Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”
- Những kỉ niệm ấm áp giữa bộ đội và đồng bào Việt Bắc: “lớp học i tờ”, “giờ liên hoan”, “ca vang núi đèo”.
=> Tác giả nhớ tới tình cảm nghĩa tình, những ngày được đồng bào Tây Bắc che chở, đùm bọc dù cuộc sống khó khăn, gian khổ. Con người hiện lên với vẻ đẹp lao động và ân tình qua ngòi bút của Tố Hữu.
3 – Câu 3 trang 114 SGK
Gợi ý trả lời :
– Khung cảnh Việt Bắc trong chiến đấu và vai trò của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến được khắc họa sinh động mang âm hưởng của khúc tráng ca
- Tinh thần dân tộc, cùng kháng chiến chống kẻ thù. Khi gian khó, khi cực khổ thì quân và dân luôn có nhau, luôn đồng hành cùng nhau và hỗ trợ nhau hết mình để cùng nhau đẩy lùi kẻ thù chung của dân tộc.: “miếng cơm chấm muối”, “mối thù nặng vai”
- Dù trải qua nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng vẫn đầy lạc quan, sôi nổi: “gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”
– Không khí chuẩn bị cho chiến dịch khẩn trương, sôi nổi, thể hiện sức mạnh tổng hợp.Chiến thắng khẳng định sức mạnh và bản lĩnh kiên cường quyết thắng của dân tộc.
– Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến: Việt Bắc là quê hương của cách mạng, đầu não của cuộc kháng chiến, nơi đặt niềm tin tưởng và hi vọng của con người Việt Nam.
4 – Câu 4 trang 114 SGK
Gợi ý làm bài :
Nghệ thuật đậm đà tính dân tộc của bài thơ mà Tố Hữu sử dụng :
- Sử dụng thể thơ lục bát- thể thơ dân tộc : nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người
- Tố Hữu sử dụng những hình ảnh thân thương, gần gũi với đời sống người dân, câu từ mộc mạc chất phác : nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn, nhớ người mẹ nắng cháy lưng
- Ngôn ngữ dân tộc: tiêu biểu nhất là cặp đại từ xưng hô mình – ta sáng tạo trong thơ thể hiện tình cảm hô ứng, lưu luyến, trữ tình
- Nhịp điệu, nhạc điệu dân tộc: Bài thơ có khi nhẹ nhàng, thơ mộng, khi đằm thắm, ân tình, có lúc lại mạnh mẽ, hùng tráng. Nhịp điệu linh hoạt, uyển chuyển.
Phần 3 – Luyện tập
1 – Bài 1 trang 114 SGK
Cách sử dụng cặp đại từ xưng hô mình – ta:
- Trong đoạn trích bài thơ “Việt Bắc”, từ mình được dùng để chỉ bản thân người nói – ngôi thứ nhất, nhưng cũng còn dùng ở ngôi thứ hai. Từ ta là ngôi thứ nhất, chỉ người phát ngôn, nhưng có khi ta chỉ chúng ta.
- Cặp đại từ này được sử dụng rất sáng tạo, biến hóa linh hoạt:
- Có trường hợp: mình chỉ những người cán bộ, ta chỉ người Việt Bắc (Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng).
- Có trường hợp: mình chỉ người Việt Bắc, ta chỉ người cán bộ (Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người).
- Có trường hợp: mình chỉ cả người cán bộ và người Việt Bắc (như chữ mình thứ ba trong câu: Mình đi mình lại nhớ mình)
- Ý nghĩa của cách sử dụng cặp đại từ mình – ta:
- Mang lại cho bài thơ phong vị ca dao, tính dân tộc đậm đà và một giọng điệu tâm tình ngọt ngào, sâu lắng. Lối xưng hô gần gũi đó từng xuất hiện trong ca dao, dân ca
- Góp phần làm cho tình cảm giữa người ra đi và người ở lại, giữa cán bộ với nhân dân Việt Bắc thêm thân mật, gần gũi, tự nhiên, gắn bó khăng khít tuy hai mà một. Điều đó cũng thể hiện tình cảm của tác giả với nhân dân vùng Việt Bắc, coi đó như mái nhà thân thiết trong những năm kháng chiến gian khổ.
2 – Bài 2 trang 114 SGK
Phân tích vẻ đẹp hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến :
- Tố Hữu sử dụng một loạt biện pháp tu từ để thể hiện rõ khí thế hào hùng của quân đội ta. Và đặc biệt sự hào hùng và vẻ đẹp hùng tráng đó được thể hiện qua việc phối hợp các lực lượng chiến đấu :
* Đoàn quân:
– Từ láy: “ điệp điệp trùng trùng” ” những đoàn quân tiếp nhau bước đi như những đợt sóng trào kéo dài vô tận.
– Hình ảnh “ánh sao đầu súng” là một tứ thơ đẹp gợi nhiều liên tưởng:
– Nghệ thuật nhân hóa: ánh sao theo chân đoàn quân, treo lơ lửng trên đầu súng, soi sáng khắp các ngả đường hành quân thiên nhiên đã thành người bạn đồng hành cùng chiến sĩ.
– Ẩn dụ: ánh sao lý tưởng cách mạng luôn soi sáng dẫn đường, đến tương lai tươi sáng niềm tin tưởng lạc quan đầy khí thế.
* Đoàn dân công:
– Những bó đuốc đỏ rực soi đường, làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn quân dân công tiếp lương, tải đạn với đủ cả: già, trẻ, gái, trai… họ đến từ những miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở: xe đạp thồ, gùi, cáng…quyết tâm kiên cường vượt qua khó khăn nguy hiểm để bảo đảm vũ khí, thuốc men, lương thực…cho tiến tuyến.
– Cách nói cường điệu “bước…bay”: vừa diễn tả lực lượng đông đảo vừa diễn tả một sức mạnh hùng hậu phục vụ chiến trường. Cuộc chiến đấu của ta là đấu tranh nhân dân, đã phát huy sức mạnh toàn dân.
– Hình ảnh thơ thật đẹp “ muôn tàn lửa bay”, “đỏ đuốc” _ xua tan những lạnh lẽo, tăm tối nơi rừng núi.
– Từ láy” điệp điệp” “trùng trùng” + từ “nát đá” ” góp phần tạo nên âm điệu hùng tráng mạnh mẽ.
* Đoàn ô tô quân sự:
– Hình ảnh “ đèn pha bật sáng” ” ánh sáng rực rỡ xuyên thủng đêm dày tăm tối.
– Hình ảnh ẩn dụ:
“nghìn đêm” Quá khứ nô lệ.
“sương dày”: những khó khăn vất vả, thiếu thốn trong hiện tại.
– So sánh: “Như ngày mai lên” “niềm tin tưởng, lạc quan hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu trưng cho tương lai tươi sáng của đất nước.
– Nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ, gấp gáp. Âm hưởng hào hùng, sôi nổi náo nức; hình ảnh thơ hoành tráng, mỹ lệ.
– Đoạn thơ tràn ngập ánh sáng: ánh sao, ánh đuốc, ánh đèn pha…, ánh sáng của niềm tin tưởng, niềm vui tràn ngập. Tất cả tạo thành khúc hùng ca chiến thắng. Việt Bắc không còn là của mình hay là của riêng ta mà là của ta – của chúng ta, của tất cả mọi người Việt Nam kháng chiến.
=> Tố Hữu đã thể hiện rất rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về lịch sử cách mạng bằng ngôn ngữ thơ ca. Với sự tài tình đó, chúng ta tưởng như đang được sống lại trong không khí sục sôi của một thời lửa đạn không thể nào quên – cái thời của những sự kiện lớn lao và những niềm vui, niềm tin tưởng, cũng rất đỗi tự hào.
Kết luận : Hình ảnh Việt Bắc không chỉ đẹp lãng mạn, đẹp nên thơ mà còn hiện lên với sự kiên cường, giàu tình nghĩa của thiên nhiên cũng như con người nơi đây, góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc.
Chúng tôi hy vọng phần hướng dẫn soạn bài “Việt Bắc” như trên sẽ là sự tham khảo và hỗ trợ đắc lực cho các bạn trong quá trình tìm hiểu nội dung của bài thơ. Các bạn có thể tải app Kiến Guru để xem được nhiều hơn các bài soạn khác trong phần môn ngữ văn nhé !
Xem thêm:
Phân Tích Bài Tây Tiến Về Hình Tượng Người Lính Ngắn Gọn