Kiến Guru chia sẻ tài liệu hướng dẫn chi tiết phân tích nhân vật Tràng. Mời bạn đọc tham khảo và dựa vào đây để tự viết cho mình một bài văn phân tích nhân vật Tràng hay và đầy đủ nhất.
Caption: Phân tích Tràng
Kiến thức chung cho phân tích nhân vật Tràng
Trước khi đi vào phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt, hãy cùng chúng mình ôn tập lại một vài nét sơ lược về tác giả, tác phẩm nhé!
1 – Tác giả
- Cuộc đời:
- Kim Lân (1920 – 2007): tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài.
- Quê quán: làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
- Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa học vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn.
- Vào năm 1994, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).
- Sự nghiệp sáng tác:
- Phong cách nghệ thuật: chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ – những người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của ông vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.
- Nói về Kim Lân, nhà văn Nguyên Hồng đã cho rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “ người”, với “ thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
- Các tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (truyện ngắn, 1962).
2 – Tác phẩm
Caption: phân tích nhân vật tràng trong vợ nhặt
- “ Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân được in trong tập “ Con chó xấu xí”.
- Hoàn cảnh ra đời: tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “ Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau cách mạng tháng 8. Nhưng vì sơ suất làm mất bản thảo, sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, ông dựa một phần để sáng tạo nên tập truyện ngắn này. Tác phẩm được lấy bối cảnh những năm 1945 khi mà nạn đói đang hoành hành tại miền Bắc nước ta làm chết 2 triệu đồng bào.
- Một số nhận định về tác phẩm có thể vận dụng khi phân tích nhân vật Tràng:
- “ Nhà văn dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng.”
- “ Ở tác phẩm này, nhà ăn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.”
- “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
Hướng dẫn phân tích nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt”
Cùng Kiến đi vào phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt nhé!
Caption: Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt
1 – Lai lịch, ngoại hình
Là tuyến nhân vật chính trong tác phẩm nhưng qua vài nét chấm phá của Kim Lân, Tràng hiện lên với hoàn cảnh sống khốn khó và ngoại hình chẳng mấy ưa nhìn.
- Lai lịch: Tràng là dân ngụ cư; sống qua ngày bằng nghề đẩy xe bò; sống cùng với mẹ già trong một túp lều tạm bợ, tồi tàn; cuộc sống bấp bênh,…
- Ngoại hình, trí tuệ của nhân vật Tràng: xấu xí, thô kệch, cái đầu trọc lóc, cái lưng to bè như con gấu, “ hai con mắt nhỏ tí”, “ hai bên quai hàm bạnh ra”, thân hình to lớn vập vạp, trí tuệ ngờ nghệch, vụng về,…
2 – Tính cách
Ẩn sâu bên trong của con người xấu xí, thô kệch ấy là cả một bầu trời nhân cách tốt đẹp. Tràng tốt bụng, hiền lành, hào hiệp và nhân hậu.
- Vô tư, hồn nhiên, tốt bụng:
- Tính tình Tràng thì lại dở hơi nhưng cũng vô cùng tốt bụng, và rất mực yêu trẻ con, chàng thường hay vui đùa với những đứa trẻ trong xóm. Bởi vậy mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm ra vây lấy hắn reo cười vang lên, khi ấy Tràng chỉ ngửa mặt lên “cười hềnh hệch”.
- Ngay cả chuyện hệ trọng như lấy vợ, Tràng cũng chỉ quyết định trong chốc lát. Đó là lần gò lưng kéo cái xe thóc vào dốc tỉnh, Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Chủ tâm của anh ta là vui đùa. Thế rồi, một người đàn bà đang đói bám lấy để được ăn bánh, Tràng cũng vui vẻ chấp nhận. Lần thứ hai, cô ta tới ăn vạ, Tràng chấp nhận đưa về nhà để thành… vợ chồng! Thật, xưa nay chưa có ai quyết định việc lấy vợ nhanh chóng như Tràng! Qua đó, người đọc cũng nhận thấy sự nhân hậu, phóng khoáng ở Tràng.
- Phân tích nhân vật Tràng trong tình huống nhặt được vợ:
b1: Tình huống nhặt được vợ: Trong hoàn cảnh nạn đói, khó khăn năm 1945, Tràng vô tình nhặt được vợ chỉ sau 2 lần gặp. Tình huống này được tác giả xây dựng để làm cơ sở cho nhân vật Tràng bộc lộ những vẻ đẹp tiềm ẩn của mình.
b2: Diễn biến tâm lý của nhân vật Tràng sau khi nhặt được vợ:
- Lúc đầu Tràng tỏ ra lo lắng trước cảnh nghèo “… thóc gạo này mà còn đèo bòng”, tuy nhiên Tràng cuối cùng vẫn tặc lưỡi “chậc, kệ”.
- Phân tích nhân vật Tràng trên đường về nhà:
- Vẻ mặt “ có cái gì phơn phởn khác thường” Tràng hạnh phúc vì đã có vợ
- Miệng “ tủm tỉm cười một mình”, “ cảm thấy vênh vênh tự đắc”… Có vợ khiến Tràng hạnh phúc, hãnh diện.
- Mua dầu về thắp để khi thị về nhà mình căn nhà có thể trở nên sáng sủa hơn.
- Phân tích nhân vật Tràng khi về nhà:
- Tràng xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà → Hành động ngượng nghịu nhưng thể hiện sự chân thật, mộc mạc của Tràng.
- Khi bà cụ Tứ chưa về, Tràng có cảm giác “sờ sợ” vì lo rằng người vợ sẽ bỏ đi vì gia cảnh quá khó khăn, sợ hạnh phúc sẽ tuột khỏi tay.
- Sốt ruột chờ mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện. Trong cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ → Biểu hiện của đứa con biết lễ nghĩa.
- Khi bà cụ Tứ về: lật đật chạy ra đón, thưa chuyện một cách trịnh trọng, anh khéo léo khi gọi người đàn bà xa lạ là “nhà tôi”, biện minh lý do lấy vợ là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ sẽ đồng ý hôn sự và vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng mới thở phào, ngực nhẹ hẳn đi. → Tràng khát khao có được hạnh phúc gia đình.
- Phân tích nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau:
- Thấy trong người lơ lửng như từ trong giấc mơ đi ra → Việc có vợ khiến hắn bất ngờ và quá đỗi hạnh phúc khiến hắn tưởng tượng mình đang ở trong mơ.
- Tràng nhận thấy sự thay đổi kỳ lạ của ngôi nhà (sân vườn, ang nước, quần áo,…) → Sự biến đổi trong nhận thức: Giờ đây, Tràng đã có suy nghĩ, ý thức của một người đàn ông trưởng thành, từ vô tâm thành quan tâm, tử dửng dưng đến lo lắng cho hạnh phúc lứa đôi, có trách nhiệm với gia đình.
- Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình.
- Thấy mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, với mẹ, với vợ và những đứa con sau này. → Có ý thức vun vén hạnh phúc gia đình
- Lúc ăn cơm hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới trong suy nghĩ. → Niềm tin, sự lạc quan vào tương lai tươi sáng.
⇒ Từ khi nhặt được vợ nhân vật Tràng đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Tràng không còn thô kệch, vụng về nữa mà đã có ý thức xây dựng hạnh phúc, tổ ấm gia đình.
Kết luận:
Đánh giá nhân vật Tràng:
- Rõ ràng, nhân vật Tràng trong tác phẩm hiện lên với ngoại hình, gia cảnh tội nghiệp nhưng lại tiềm ẩn những vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng. Ở Tràng có sự thay đổi tâm lý từ một chàng trai vô tư, ngờ nghệch đến một người đã có ý thức xây đắp, vun vén cho gia đình nhỏ của mình.
- Với ngòi bút khắc họa tâm lí nhân vật sắc sảo, ngôn ngữ giản dị mà điêu luyện, Kim Lân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng. Thông qua tình huống nhặt được vợ, tính cách và diễn biến tâm lý của nhân vật hiện lên một cách rõ nét. Ngôn ngữ tự nhiên, nhuần nhuyễn, giản dị. Nhân vật đã vẽ nên chân thực cuộc sống của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945. Đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông, tin yêu của Kim Lân với số phận những người nông dân bất hạnh vào tương lai tươi sáng của họ.
Ý nghĩa, giá trị của câu chuyện
“ Vợ nhặt ” là một bức tranh sống động miêu tả đời sống khốn cùng của người nông dân trong nạn đói 1945. Tuy rằng ở đó, con người còn chìm trong bóng tối, đói nghèo và sự chết chóc nhưng bằng đôi mắt tinh tường và sự thấu hiểu, Kim Lân vẫn nhận thấy vẻ đẹp của tâm hồn đang tiềm ẩn bên trong những kiếp người có số phận bi thảm ấy. Đó là tình yêu thương con người, là ý thức trách trách nhiệm của mình đối với gia đình và và xã hội. Trên cái nền đen tối ấy, con người đã vượt lên và tỏa sáng những vẻ đẹp rực rỡ nhất. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc mà ông muốn gửi gắm đến người đọc thông qua hình tượng nhân vật Tràng.
Kết luận
Trên đây, Kiến Guru đã hướng dẫn phân tích nhân vật Tràng. Hy vọng rằng tài liệu này kết hợp với vận dụng các kiến thức đã học trên lớp về “ Vợ nhặt”, bạn đọc có thể tự viết được một bài văn phân tích hay và đáp ứng các yêu cầu của đề bài. Đừng quên tham khảo các chủ đề liên quan đến tác phẩm này của Kiến Guru tại đây nhé!