Cha con nghĩa nặng là tác phẩm thấm đượm tình phụ tử ấm áp giữa ông Sửu và người con. Hôm nay, các bạn hãy cùng theo chân Kiến Guru khám phá sâu hơn về tác phẩm này nhé!
1. Tổng hợp kiến thức tác phẩm Cha con nghĩa Nặng – Hồ Biểu Chánh
Phong cách, nếp sống nếp nghĩ của mỗi tác giả thường phảng phất, được thể hiện thông qua tác phẩm. Vì thế, trước khi đi vào phần hướng dẫn chi tiết soạn bài Cha con nghĩa nặng, các bạn hãy cùng chúng mình tóm lược về tác giả cũng như hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm này nhé!
1.1. Tác giả
a. Cuộc đời
- Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958) có tên khai sinh là Hồ Văn Trung.
- Quê quán: Làng Bình Thành (nay là xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
- Đã từng có thời gian học chữ Nho, sau đó học chữ quốc ngữ và làm công chức ở nhiều địa phương khác nhau nên khá am hiểu về con người và cuộc sống thường nhật bình dân của người Nam Bộ.
b. Sự nghiệp sáng tác
- 1909: Sáng tác tập truyện dài đầu tay “ U tình lục” bằng thể thơ lục bát.
- Sáng tác phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau (làm thơ, khảo cứu, phê bình,…) nhưng thành công và được ghi nhận trong lĩnh vực tiểu thuyết.
- Ông là một trong những lá cờ tiên phong đặt nền móng cho thể loại tiểu thuyết hiện đại cho dân tộc ta trong chặng đường đầu tiên.
1.2. Tác phẩm
Tìm hiểu về tác phẩm Cha con nghĩa nặng
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Được xuất bản vào năm 1929 và là tác phẩm thứ 15 trong sự nghiệp sáng tác của ông.
- Đoạn trích thuộc nửa sau chương IX của tiểu thuyết.
b. Bố cục
Đoạn trích được chia làm 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu … buồn rầu khổ cực nữa): Tâm trạng tuyệt vọng của Trần Văn Sửu khi trên cầu Mê Tức
- Phần 2 (tiếp … trở lại liền): Cuộc gặp gỡ cảm động của hai cha con trên cầu Mê Tức
- Phần 3 (còn lại): Cuộc đoàn tụ của hai cha con tại Phú Tiên
2. Hướng dẫn soạn bài Cha con nghĩa nặng
Sau khi đã tìm hiểu về phong cách, lối viết của tác giả cũng như xuất xứ của tác phẩm, mời bạn đọc cùng bắt tay vào soạn bài Cha con nghĩa nặng để hiểu được những thông điệp, hàm ý sâu xa của tác giả gửi gắm vào tác phẩm này nhé!
2.1. Câu 1 trang 167 sgk Ngữ văn 11 tập 1
Đọc kỹ đoạn trích, gắn phần tóm tắt lý thuyết ở trên với diễn biến sự việc trong đoạn trích tạo thành mạch truyện xuyên suốt.
Gợi ý trả lời câu hỏi 1 trang 167 Ngữ văn 11 tập 1:
Chuyện kể về người nông dân tên Trần Văn Sửu với bản tính hiền lành, yêu vợ, thương con. Một hôm ông bắt gặp vợ ngoại tình dù cả hai vợ chồng đã có với nhau đến 3 mặt con. Vợ ông là Hồ Thị Lựu hỗn láo và níu chồng để tình nhân chạy thoát. Trong xô xát, ông vô tình đẩy xô vợ ngã khiến thị chết. Sợ án nên ông bỏ trốn đi biệt xứ. Một thời gian sau, Sửu lén trở về thăm con nhưng vì sợ mình sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của con con nên ông định nhảy sông tự tử, nhưng thằng Tý đuổi theo cha. Hai cha con gặp nhau trên Mê Tức, nó khuyên cha trở về, Trần Văn Sửu được xóa án, cha con, gia đình đoàn tụ tại Phú Tiên.
2.2. Câu 2 trang 167 sgk Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích, làm rõ tình cảm cha con trong đoạn trích (tình cha với con, tình nghĩa của con đối với cha)
Gợi ý trả lời câu hỏi 2 trang 167 Ngữ văn 11 tập 1:
- Tấm lòng của người cha đối với con:
- Trong những tháng bỏ đi biệt xứ để trốn chạy: ân hận và vẫn lo nghĩ cho những đứa con ở nhà, lòng nặng trĩu nỗi nhớ, thương con:
- Không sợ nguy hiểm của bản thân mà liều cải trang về thăm con và phải lựa chọn thực tế đau lòng: tình yêu thương con và hạnh phúc của con:
- Vì thương con, ông Sửu chấp nhận rời xa con, bỏ đi biệt xứ và có cả ý định tự tử để đảm bảo sự an toàn cho con.
- Khi gặp được con, dù được con khuyên bảo ở lại nhưng vẫn muốn ra đi để gìn giữ hạnh phúc lâu dài cũng như sự yên ổn cho đứa con.
- Nhận xét: Tuy có một cuộc sống bất hạnh nhưng trong tâm hồn ông Sửu vẫn lấp lánh vẻ đẹp của người lao động bình dị, nhân hậu, chất phác, giản dị và giàu đức hi sinh. Người cha ấy sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân, thậm chí là cả mạng sống chỉ để các con của mình được yên ổn, hạnh phúc.
- Tình cảm đến từ phía người con đối với cha của mình:
- Người cha trốn chạy, bỏ trốn khỏi biệt xứ nên Tý nghĩ là cha đã chết, khi vô tình bắt gặp người cha thì anh cảm thấy bất ngờ và không khỏi ngạc nhiên.
- Qua lời kể của ông ngoại, Tý lại càng thêm yêu và kính trọng người cha của mình, cũng như hiểu cho nỗi khổ và cũng không ghét bỏ ông Sửu.
- Gặp lại cha sau 10 năm xa cách, Tý đã “ ôm cha khóc hồi lâu” khiến ông Sửu cảm thấy vừa nghẹn ngào, vừa hạnh phúc.
- Khi biết được ý định của cha mình, Tý hết mực giảng giải và thuyết phục người cha cho mình cơ hội để chăm sóc, báo hiếu.
- Nhận xét: Qua những cử chỉ, hành động này, ta cũng có thể thấy được Tý là một người con hiếu nghĩa, thấu hiểu và đặc biệt rất mực thương cha, sẵn sàng tạm gác lại hạnh phúc riêng của bản thân để chăm sóc, an ủi cha, làm trọn chữ hiếu.
2.3. Câu 3 trang 167 sgk Ngữ văn 11 tập 1
Để thể hiện chủ đề “ cha con nghĩa nặng”, tác giả đã xây dựng những tình huống truyện có kịch tính cao (mâu thuẫn giữa tình cha thương con và hạnh phúc của con, giữa hạnh phúc của con và tình thương con thương cha). Hãy tìm hiểu và làm rõ những tình huống nghệ thuật đó
Gợi ý trả lời câu hỏi 3 trang 167 Ngữ văn 11 tập 1:
Những tình huống truyện kịch tính được tác giả xây dựng trong truyện này:
- Người cha muốn bỏ đi để con tìm hạnh phúc (vì lẽ thường sẽ không ai chịu gả con gái cho người con một người đi tù)
- Tình huống truyện được xây dựng theo chiều hướng căng thẳng, phức tạp khi cuộc gặp gỡ của hai cha con sau 11 năm nhưng vẫn bị ám ảnh nhiều bởi bóng đen của quá khứ.
- Giải quyết mâu thuẫn trong tình huống truyện: Cuộc đối thoại của hai cha con đi tới kết thúc tốt đẹp, người đọc cảm nhận được tình cảm cha con sâu nặng, người sống trong đạo lý bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp.
2.4. Câu 4 trang 167 sgk Ngữ văn 11 tập 1
Qua hai nhân vật Trần Văn Sửu và thằng Tí, em hãy nêu lên một vài nét tính cách của người dân Nam Bộ.
Gợi ý trả lời câu hỏi 4 trang 167 Ngữ văn 11 tập 1:
Nhân vật người con (thằng Tí) có tính cách mạnh mẽ không chịu bó tay trước hoàn cảnh:
- Tí đã nghĩ cách và tìm ra lối thoát cho tình huống tưởng như bế tắc, làm yên lòng mình, dịu được lòng cha, vẹn được nhiều bề dù còn khó khăn.
- Bằng tình yêu thương, hiếu thảo, nhân vật Tí đã giúp người cha vượt qua khó khăn về tâm lý.
Người cha trong truyện thương con vô hạn, sẵn sàng hi sinh tất cả vì hạnh phúc của con.
Từ đó, ta có thể nhận thấy những nhân vật này tiêu biểu cho người dân đồng bào Nam Bộ: mạnh mẽ, kiên quyết, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh cũng như giàu tình cảm sâu nặng, thấm đẫm lòng người.
2.5. Câu 5 trang 167 sgk Ngữ văn 11 tập 1
Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôn ngữ trong đoạn trích.
Gợi ý trả lời câu hỏi 5 trang 167 Ngữ văn 11 tập 1:
- Về nghệ thuật kể chuyện: Truyện được kể theo diễn biến, trình tự của thời gian để người đọc dễ dàng theo dõi và nắm bắt được cốt truyện.
- Cách miêu tả nhân vật: được miêu tả trực tiếp qua lời nói và hành động. Nhân vật hiện lên với vẻ chân thật, giản dị và mộc mạc nhưng vẫn có chiều sâu tâm lý.
- Ngôn ngữ kể chuyện: gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam Bộ.
Kết luận
Qua lối viết tinh tế, sắc sảo của mình, nhà văn đã xây dựng thành công những phẩm chất đáng trân trọng và tình cảm cha con thiêng liêng cao quý giữa Tý và ông Sửu. Họ tiêu biểu cho sự mạnh mẽ, kiên cường của người dân Nam Bộ.
Để khám phá sâu hơn về tác phẩm này, các bạn có thể truy cập vào video bài giảng bài Cha con nghĩa nặng của chúng mình trên nền tảng Kiến Guru nhé. Chúc các bạn học tốt!