Hôm nay, Kiến Guru gửi đến các bạn nội dung bài cảm nhận về bài thơ Tự tình 2 của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương! Qua phần soạn mà Kiến Guru hướng dẫn, mong rằng các bạn học sinh sẽ cảm nhận được đôi phần tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương. Chúng ta cùng nhau tham khảo bài soạn của Kiến nhé!
I. Sơ lược về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Trước hết, bài cảm nhận về bài thơ Tự tình 2 xin dành vài dòng để giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương. Cho đến hiện tại giới nghiên cứu vẫn chưa đưa ra tài liệu chính xác về năm sinh và năm mất của Hồ Xuân Hương – một nữ sĩ tài danh của làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mặc dù quê của bà ở Nghệ An nhưng bà lại sống gắn bó với mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Hồ Xuân Hương may mắn có cơ hội được đi đến nhiều nơi và kết thân với nhiều danh sĩ thế nhưng có một điều không may mắn với bà là cuộc đời, tình duyên lại có lắm ngang trái, éo le.
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm” vì đã đóng góp cho đời những bài thơ chữ Nôm giàu giá trị (sáng của Hồ Xuân Hương bao gồm thơ chữ Hán và chữ Nôm, nhưng thơ Nôm có phần nổi bật hơn). Theo các tài liệu lưu truyền thì tên tuổi của Hồ Xuân Hương gây được tiếng vang là bởi trên dưới 40 bài thơ Nôm. Ngoài ra, Hồ Xuân Hương còn có tập “Lưu hương kí” gồm 24 bài chữ Hán và 26 bài chữ Nôm. Hồ Xuân Hương để lại ấn tượng trong lòng độc giả nét phong cách trào phúng mà trữ tình, đậm chất văn học dân gian. Với phong cách ấy, bà thường chọn nội dung về người phụ nữ để thể hiện tiếng nói thương cảm, đồng thời cũng khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.
Nguồn: Internet
2. Bài thơ Tự tình 2
Khi cảm nhận bài thơ Tự tình 2, chúng ta còn cần giới thiệu đôi nét về tác phẩm. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật và nằm trong chùm thơ gồm ba bài thơ Tự tình. Chùm thơ nói chung và bài thơ này nói riêng chính là dịp để nhà thơ bày tỏ nỗi niềm của mình trước duyên phận hẩm hiu.
II. Cảm nhận về bài thơ Tự tình 2
1. Hai câu đề
Hai câu đề đã diễn tả nỗi niềm buồn tủi của nhà thơ trong khung cảnh vắng lặng về đêm. Thời điểm ấy được gợi lên rất rõ qua các từ “đêm khuya”, “văng vẳng” và càng trở nên dồn dập hơn khi tiếng “trống canh dồn” hối thúc liên hồi. Tiếng điểm nhịp của thời gian cũng chính là tiếng trống của tâm trạng. Chính tiếng trống ấy đã gợi ra phần nào sức tàn phá của thời gian vì được cảm nhận bằng chính tâm trạng mang cảm thức cô đơn và lo ngại trước bước đi của thời gian.
Từ khung cảnh ấy, nhà thơ gửi gắm chút cảm nhận về sự bẽ bàng của duyên phận. Nếu từ “trơ” có tác dụng nhấn mạnh thì sự kết hợp giữa “hồng nhan” và từ “
cái” ở sau đó lại hàm ẩn sự cay đắng, xót xa. Thế nhưng bên cạnh đó, “trơ” còn được hiểu là sự thách thức, bản lĩnh của những người phụ nữ cá tính như nhân vật trữ tình.
2. Hai câu thực
Hai câu tiếp theo diễn tả rõ hơn cảnh và tình của nhân vật. Trong thời khắc về khuya mà chủ thể trữ tình còn thao thức hẳn phải có ít nhiều tâm sự. Hình ảnh “chén rượu hương đưa” chính là một sự xác nhận cho điều đó bởi chén rượu nhấm nháp khi trời về khuya là chén rượu chất chứa vô vàn suy tư. Cụm từ “say lại tỉnh” như gợi lên sự luẩn quẩn, rối bời không thể giải tỏa.
Hình ảnh “vầng trăng” vào thời điểm “bóng xế” với tính chất “khuyết chưa tròn” như thấp thoáng trong đó thân phận của người con gái. Với cô, tuổi xuân hình như đã dần trôi qua nhưng tình duyên vẫn còn dang dở, hẩm hiu.
3. Hai câu luận
Cặp câu thứ ba của bài đã bộc bạch niềm khát khao mãnh liệt của con người. Những sinh vật bé mọn như “rêu”, “đá” phải mọc “xiên ngang mặt đất” và “đâm toạc chân mây” như một cách để phản kháng lại ngoại cảnh mà sinh tồn. Dường như tác giả đã mượn hình ảnh ấy để nói thay tâm trạng của mình.
Cặp câu có sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ, từ ngữ độc đáo đã gián tiếp thể hiện một tâm hồn tràn đầy sức sống và niềm khao khát mãnh liệt của nữ sĩ họ Hồ. Dù trong nghịch cảnh, dù chịu sự đè nén, vùi dập nhưng vẫn kiên cường, bản lĩnh.
4. Hai câu kết
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Nguồn: Internet
Hai câu thơ cuối chính là điểm nhấn của việc cảm nhận bài thơ Tự tình một sự thể hiện rõ rệt tâm trạng chán ngán, sầu tủi trước cuộc đời. Trong khi “xuân đi” rồi “xuân lại lại”, tạo hóa vẫn xoay vần như ngàn đời vẫn thế nhưng tuổi xuân với con người một khi đã qua thì không bao giờ trở lại nữa.
Câu thơ cuối cùng giúp người đọc dễ hình dung là bài thơ mang tâm trạng của một thân phận làm lẽ. Nói thế là bởi vì “mảnh tình” đã bé lại còn phải “san sẻ” rồi trở thành “tí con con” thì thật chua cay, đáng thương. Câu thơ kết lại khiến người đọc cảm thấy xót xa, mủi lòng của những “cái hồng nhan” trong xã hội phong kiến xưa khi phải chịu cảnh chồng chung. Đối với họ, có lẽ hạnh phúc thật hẹp, người này đủ đầy thì kẻ khác lại lạc lõng, bơ vơ.
Với cách tổ chức bài cảm nhận về bài thơ Tự tình 2 trên đây, đội ngũ biên tập của Blog mong muốn mang đến cho các bạn học sinh cái nhìn tổng quan về tác phẩm để có một kênh tham khảo phục vụ cho việc chuẩn bị bài soạn của mình một cách chỉn chu nhất, hoàn thiện nhất. Chúc các bạn có những bài soạn đạt yêu cầu và học tập thật tốt!